Phương thức thực hiện Dinh điền Cái Sắn

Hai dinh điền được đưa vào chương trình tái định cư cho người di dân, theo phương thức chia lô (30.000m2) và phân phát cho từng gia đình. Mỗi gia đình theo đó được nhận từ 1 đến 3 ha đất canh tác và được cấp một bằng khoán xác nhận quyền sử dụng đất.[1] Hai dinh điền này mang tên Cái Sắn 1 thành lập ngày 21-1-1956, rộng 26.000 mẫu tây và là nơi định cư cho 9.800 gia đình gồm 45.302 người Bắc[9] và dinh điền Cái Sắn II thành lập ngày 1-6-1957, rộng 4.000 mẫu tây, định cư cho 2.500 gia đình, đa số là người Công giáo Bùi Chu và Nam Định[9].

Hình thức phân lô bao gồm một phần đất thổ cư cạnh các bờ kênh đào, chủ yếu bằng tay[6], hai bên bờ Kênh Cái Sắn, mỗi kênh rộng 6-8m, sâu 1,5m, lòng sông sâu 4m[8][6] dài khoảng 10km, kênh cách kênh từ 1 đến 2km. Mỗi lô rộng 30m, dài 1000m[6]. Mặt tiền các nhà dân thường được xây dựng hướng ra sông trên mảnh đất thổ cư dài khoảng 20m[6]. Đất canh tác nằm phía sau đất thổ cư. Nếu lấy Tân Hiệp làm chuẩn, các kênh về phía biển Rạch Giá được gọi lần lượt, bờ phía tây bắc từ kênh 0 (kênh zêrô) đến kênh 5, bờ phía đông nam từ kênh 10 đến kênh 6, ngoại trừ kênh 6 dọc bờ ke, kênh Rivera. Về phía sông Hậu, tên gọi lần lượt từ A đến H và kênh Thầy Ký. Tổng số lượng kênh đào là 17 kênh, với tổng chiều dài 159 cây số[6]. Tổng số lô được phân chia là 8.086 lô đất[6].

Trong chương trình tái định cư, mỗi gia đình đều được trợ cấp về phương tiện canh tác và nhu yếu phẩm trong năm đầu tiên.[6][1][10] Ngoài ra, họ còn được trợ cấp vay vốn với lãi xuất thấp phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, trường học, trạm y tế cũng như các nhà thờ được chú trọng xây dựng.